26
Th11
Cái chính là tôi cảm thấy mình có một ý nghĩa để sống, cố gắng sống tốt hơn, hoặc ít nhất thoát khỏi mớ bòng bong trong một gia đình thiếu thốn tình thương. Song, tôi tự hỏi, phải chăng sự đau khổ mới thực sự là động lực hình thành nên sự chín chắn? Không! Ngày qua ngày, tôi nhận ra thứ động lực ấy chỉ đưa mình vào ngõ cụt.
Ba tôi, một người đàn ông tệ bạc với vợ con, mang trong đầu một tư tưởng lạ kỳ. Ông ảo tưởng mình rất giỏi, chẳng bao giờ chịu thừa nhận sự kém cỏi của một người đàn ông trung niên chưa thật sự có gì trong tay, thậm chí là hạnh phúc gia đình. Cái tư tưởng đó cứ bám mãi vào tư tưởng cằn cỗi của một người cha chưa từng thật sự quan tâm đến cảm nhận của người con.
Ông thích nghe lời đường mật của những người bạn xã hội, của những người đàn bà “công cộng”, bỏ qua mọi lời khuyên từ mẹ tôi và bà nội (người sinh ra ông). Có lẽ người đàn ông thất bại là người có gia đình không hạnh phúc, hay nói đúng hơn người nào không có gia đình hạnh phúc là người thất bại. Sinh ra và lớn lên trong gia đình tầm “thấp”, cảm quan xã hội của tôi khó hình thành trọn vẹn, vì lẽ đó, tôi coi trọng đồng tiền hơn bao giờ hết. Nói đúng hơn tôi xem thường sự bê tha, xem thường những chầu nhậu đến nửa đêm gà gáy. Có khác gì nhau đâu, kẻ không có ý chí làm sao không nghèo? Vì lẽ đó, tôi nỗ lực vươn lên để thoát khỏi sự áp đặt của cha.
Mẹ tôi ở miền Tây, chân nước chân ráo lên thành phố, khó khăn mới tìm được công việc ổn định, giúp đỡ chồng tìm việc, song lại nghe lời chồng mà lui về hậu phương để rồi mất tất cả, chịu kiếp má hồng, tranh giành tình thương của chồng với những người đàn bà khác. Lâu ngày, cái tư tưởng vươn lên vì tuyệt vọng không còn giúp ích cho tôi nữa. Suy cho cùng, điều đó khác gì với sự sợ hãi và trốn chạy. Tôi không trốn chạy, tôi chọn đối mặt, hướng tương lai mình đến ước mơ mà tôi hằng mong ước. Mong được các bạn chia sẻ cùng tôi.
Quốc Trường
https://thegioicobacbip.net/san-pham/nhan-danh-nhac