28
Th10
Tôi đã gần 60 tuổi nhưng vẫn không thể quên được cảm giác bị phân biệt đối xử trong chính gia đình ruột thịt của mình (tôi khác bé trong bài là hoàn toàn khỏe mạnh). Chuyện đó đeo bám tôi đến tận bây giờ. Khi đã lớn, tôi tự suy nghĩ để tìm lý do nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng, điều đó kéo dài đến cả đến đời con, cháu tôi hiện nay, vẫn bị phân biệt so với những đứa cháu khác. Cũng là anh em ruột cùng cha cùng mẹ, một lỗi lầm nào đó như nhau, có thể nhẹ hơn nhưng tôi là người chịu đòn roi, mắng nhiếc nhiều nhất.
Suốt quãng đời thơ ấu, áp lực bị đòn nặng từ người mẹ luôn thốt lên những câu yêu thương con cái đến sự chọc ghẹo của những người anh khiến tôi có lúc tưởng như phát rồ. Điều đó đã hình thành nơi tôi một nhân cách lập dị, cộc cằn, nóng nảy, sẵn sàng làm mọi việc, kể cả đánh nhau, dùng đồ vật nguy hiểm… bất kể lý do. Cũng may tôi không bị sa ngã, không vi phạm pháp luật nhưng trong lòng luôn có khoảng cách nhất định với gia đình. Tôi cố gắng dành tình thương cho mẹ nhưng hình như cảm xúc bị chai sạn đi. Trong đầu luôn ám ảnh những hình ảnh từ xa xưa bị đòn thế nào, nếu đánh phải đứng lại chịu, bỏ chạy thì nhân gấp đôi, rồi mắng ra sao…
Mẹ đâu biết rằng mỗi chuyến đi buôn của bà, tôi cầu trời khấn phật cho bà đi an toàn, vắng bóng là tôi nhớ nhưng hễ về đến nghe những người anh em báo lại tôi làm cái gì đó sai, y như rằng mưa đòn trút xuống. Khi đi nghĩa vụ quân sự, một bữa cơm thân mật với gia đình, bạn bè cũng không có (thời đó đi là có thể không về). Đến khi có vợ con, tự tôi phải xoay xở, không có phòng riêng. Ngày ra riêng, hai vợ chồng cùng đứa con và vali hành lý.
Đã 30 năm, mẹ đến nhà tôi được khoảng hai lần dù vợ chồng tôi khẩn khoản mời nhiều và nhà tôi cách nhà bà 3 km. Ngược lại, bà ở suốt nhà người anh thứ ba, cứ sáng đến chăm cháu, nấu cơm, dọn dẹp, chiều về. Lễ tết, giỗ luôn dành phần ngon nhất cho hai đứa cháu con người anh đó. Còn người anh cả thì chăm chút, bao lo cả tiền điện nước. Khi anh ấy rời nhà cũng lo nốt. Đến hai đứa em, giờ là U50 nhưng ăn cơm phải dọn ra, còn sợ không ăn ngon nên luôn miệng hỏi, hầu luôn cả đứa cháu 20 tuổi, cho cả tiền mua xe, giặt đồ cho cả hai cha con.
Khi cha tôi hấp hối trong bệnh viện, mẹ không hề điện thoại cho hay với lý do “giãn cách” dù thừa biết tôi có giấy đi đường. Nhà cửa thì vận động tôi ký tên không nhận, tôi sẵn sàng. Với quan niệm cho gia đình được cái gì thì cho, không đòi hỏi. Cha kể lại, mượn xe đứa em đi công việc, lỡ hết xăng là về nói nặng nhẹ. Tôi mua liền một chiếc cho ông, dù trước kia ông cũng có nhưng đứa em út bán đi, bù tiền mua chiếc khác cho chính mình. Trời lạnh, để ông cụ tắm nước máy, trong khi đứa em “bận” nấu đồ ăn cho bạn của chồng nhậu, tôi mua ngay cái máy nước nóng.
Tôi không hề có ý so đo, kể lể, chỉ muốn tự tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình bị như vậy? Sau này, tôi cố gắng quên tất cả, vẫn ghé thăm thường xuyên nhưng trong lòng không hề có cảm giác yêu thương nào. Thỉnh thoảng, tôi cũng ghé qua nhà thăm, cho ít tiền tiêu vặt, mua vài món ăn nhưng sao trong tôi không hề có tình yêu, sự gắn kết. Nói vậy để mọi người thấy rằng đừng nên làm tổn thương đứa bé, nó sẽ đeo đến suốt cuộc đời nó và cũng có thể nó trở thành mối hận thù, tạo nên một con người khác, tính cách khác, có thể hại đến xã hội.
Duy Minh
https://thegioicobacbip.net/san-pham/nhan-danh-nhac