19
Th10
- Cha ngoài 60 tuổi đi ‘bóc bánh trả tiền’
Nhân đọc bài loạt bài “Cha ngoài ’60 tuổi đi bóc bánh trả tiền'”, đứng về phía góc nhìn phụ nữ, tôi muốn trải lòng để tìm hiểu thêm những suy nghĩ của phụ nữ đồng niên về vấn đề này. Tôi từng trải nghiệm tình cảnh cha mình “bóc bánh” khi mẹ “xuống dốc” sau khi sinh bốn đứa con liên tục. Từng phụ mẹ đi đánh ghen đến thương tích đầy mình lúc sáu tuổi, từng chứng kiến cha mình lập phòng nhì lúc ngoài 60 tuổi và giờ chính mình đứng trước giai đoạn đầy thử thách đó của hôn nhân (tôi đến giai đoạn mãn kinh trong khi chồng còn sung mãn).
Nói không bất an, không suy nghĩ là dối lòng đối với người từng chứng kiến cuộc sống gia đình địa ngục trong ngần ấy năm mà xuất phát từ bản năng của người đàn ông và sự cam chịu của người phụ nữ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: nếu lúc con còn quá nhỏ, mẹ tôi lựa chọn không ly dị là vì con thì khi đã ngoài 60 tuổi, vì sao bà không làm điều đó? Để đến khi nhà cửa mất hết, tình cảm như kẻ thù đến nỗi không chịu thờ cha tôi sau khi mất dù trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng?
Quay lại bản thân: chồng vừa là đồng niên, vừa là bạn học, vừa là vợ chồng trải qua bao bước ngoặc sóng gió hôn nhân để hiểu nhau đến chân tơ kẻ tóc, để có thể tâm sự không có vùng cấm, giữa hai người vượt qua được chữ “yêu” đạt đến tình tri kỷ trong đời. Vậy dù anh có nói với tôi “cùng lắm lâu lâu vợ cho chồng đi ‘bóc bánh'”, tự tôi cũng biết cuộc đời là hữu hạn, ai biết đi được cùng nhau đến bao lâu.
Khó khăn của phụ nữ khi “giải thoát” cho chồng ở tuổi 60 là do họ cả đời chỉ vì con, vì gia đình nên khi thả tự do, họ không biết đi đâu về đâu, không có thú vui riêng, vòng bạn bè quá ít, giao tiếp xã hội gần như chỉ luẩn quẩn trong gia đình. Mặt khác, họ chính là nơi giữ gìn nếp nhà, mối quan hệ họ hàng, lễ Tết, giỗ chạp,… và ti tỉ thứ khác để đàn ông rảnh tay bay nhảy. Dù họ muốn giải phóng mình thì chính chồng và con không muốn, vì đơn giản gia đình sẽ tan rã, thờ cúng giỗ chạp không còn và chưa nói đến tương lai vợ chồng con cái rất rủi ro về tài chính khi tài sản chia năm xẻ bảy, phụng đưỡng cha mẹ không thể đưa về một mối.
Còn họ chọn mắt nhắm mắt mở để duy trì gia đình như ông bà ta làm bao đời nay thì sao? Như cha mẹ tôi, họ hành nhau tới lúc nhắm mắt và cả sau khi mất. Còn tôi thì sao? Tôi trải lòng với chồng: “Tụi mình hồi xưa là bạn, giờ lại trở thành bạn nếu không thể đi tiếp như vợ chồng. Xã hội và chính em cũng đánh giá thấp người ‘bóc bánh’, vậy tại sao anh không thể đường hoàng có bồ nếu muốn, có vợ trẻ nếu muốn? Anh có tài sản, có sức khỏe sung mãn ở cái tuổi chín muồi của người đàn ông tại sao không tìm một người vợ trẻ thật sự xứng với mình? Đường hoàng giới thiệu với vợ cũ và với con? Nhận được sự kính trọng của mọi người vì anh xứng đáng được thế.
Chẳng phải chính anh cũng chẳng muốn quan hệ với gái ngành thay vì một phụ nữ đàng hoàng hơn sao? Tại sao vì giữ truyền thống nếp nhà tốt đẹp mà chấp nhận hạ thấp mình hay suy đồi đạo đức như vậy? Có cái hay, cái đẹp nào xây dựng được trên nền móng trái pháp luật, ngược thuần phong mỹ tục đó đâu? Em cũng có ước mơ của mình, gác lại ước mơ đó bao năm vì con. Giờ con đã lớn, em chẳng vướng bận gì nữa. Em sẽ đi cùng anh đến khi nào anh còn mong muốn và tụi mình giao kết: nếu không thể kiềm chế được bản năng, anh hoàn toàn có quyền đường hoàng làm điều đó.
Ly hôn là bước cần thiết để anh sống ngẩng đầu quãng đời còn lại, để con nhìn vào đó làm tấm gương cho chính gia đình nó và em tự do sống mà không dằn vặt, trách móc gì anh, không còn vướng bận trách nhiệm với gia đình chồng, không phải chịu điều tiếng. Tụi mình dù có thế nào cũng sẽ sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau để về già không còn là gánh nặng hay nỗi ưu tư cho con cháu”.
Con hỏi dò tôi: “Vậy nếu về già, cha không có ai thì cha mẹ có thể ở chung không?”. Tôi trả lời là: “Có thể, nếu mẹ không có hận thù, trách móc, cha mẹ còn từng là bạn bè thân thiết. Nếu cha mẹ chia tay đàng hoàng, lúc đó mẹ không có ai, giữa cha mẹ ai còn khỏe mạnh, minh mẫn, người đó sẽ giúp con coi ngó người còn lại. Còn không, con cứ gửi vào viện dưỡng lão nếu cả hai không còn tự chăm sóc để thuận tiện cho con thăm viếng”.
Hy vọng tôi nói được làm được. Cuộc đời là những chuỗi ngày đấu tranh không ngừng, thay đổi chính mình không ngừng để cuộc sống không đi vào vết xe đổ của người đi trước. Nếu nhiều năm trước, tôi đã vì con giữ hôn nhân thì hôm nay tôi sẵn sàng vì chồng và vì chính mình để kết thúc hôn nhân nếu nó chỉ còn trên danh nghĩa, không đáp ứng được mong muốn là tổ ấm của mọi thành viên trong gia đình.
Thanh Vân
https://thegioicobacbip.net/san-pham/nhan-danh-nhac