18
Th9
Tôi là tác giả bài: “10 năm chồng luôn yêu thương và xin lỗi dù tôi sai”. Đọc bình luận của mọi người, tôi thấy rất thú vị, muốn chia sẻ thêm đôi chút, đặc biệt câu hỏi về việc chồng làm thế nào vừa dành thời gian cho gia đình vừa chăm lo cho sự nghiệp. Trong bài này tôi sẽ chia sẻ rộng hơn về việc gia đình mình làm thế nào để cân bằng các khía cạnh của cuộc sống.
Chồng hơn tôi sáu tuổi, cả hai đều làm trong ngành tài chính. Chồng đi làm từ 7h sáng tới 18h tối. Tôi đưa con đi học buổi sáng, đến chỗ làm muộn hơn nên tan làm về muộn hơn, tầm 19h tối, hôm nào có deadline có thể muộn hơn. Chồng tôi về sớm hơn sẽ nấu đồ ăn tối hoặc qua nhà ông bà nội ăn. Nhà tôi tối giản mọi việc ăn uống, dọn dẹp trong tuần, chú trọng nhiều hơn vào việc dành thời gian với nhau.
Các hoạt động buổi tối bao gồm chơi trò chơi chạy nhảy với con, chơi board games, học ngoại ngữ trên app cùng nhau, đọc sách, tập thể dục…, tất nhiên không phải tối nào cũng có thời gian làm hết các hoạt động này. Có một hoạt động mà tôi cố gắng làm gần như mỗi tối là ôm con, nói chuyện với con trước khi đi ngủ. Tôi muốn có sự gần gũi về tinh thần với con, tạo cho con thói quen nói chuyện, tâm sự, để con có chỗ dựa tinh thần khi bước qua tuổi dậy thì. Tôi và chồng cũng dành thời gian mỗi tối để nói chuyện với nhau trước khi đi ngủ.
Trong gia đình tôi, việc đối thoại và nói ra cảm xúc của mỗi người được đặc biệt chú trọng, vợ chồng thường chủ động lên kế hoạch sử dụng những ngày cuối tuần một cách hợp lý. Ngoài việc đi nhà thờ vào các ngày chủ nhật, sẽ cố gắng cân đối giữa việc mời bạn bè qua nhà chơi, ăn uống, đi chơi, dã ngoại, đi triển lãm và hòa nhạc, chơi thể thao, hoạt động từ thiện… Năm nào chúng tôi cũng sắp xếp đi chơi nước ngoài 3 lần (hai lần với con và một lần chỉ có hai vợ chồng) và đi chơi trong nước một vài lần. Gia đình cố gắng đa dạng hóa các hoạt động, ví dụ lên rừng, xuống biển, glamping, nghỉ resort, road trip, trượt tuyết… Tuy nhiên không phải lúc nào cuộc sống của mình cũng được cân bằng như vậy.
Giai đoạn tôi mới ra trường là vất vả nhất, vừa đi làm vừa đi học thêm để nâng cao trình độ, lúc đó cuối tuần không làm thì ngủ, chẳng có thời gian làm gì khác. Tôi mừng vì đã cố gắng nỗ lực như vậy, nhờ có nó mới tạo nên nền móng cho sự nghiệp sau này ở tuổi 30. Giai đoạn vất vả thứ hai là khi mới có con, trong năm năm đầu khi con còn bé, tôi chọn môi trường làm việc linh hoạt đi muộn về sớm, dù lương thấp hơn nhưng sẽ có nhiều thời gian cho con. Sau khi thấy con đủ cứng cáp, tôi lại tìm cơ hội phát triển sự nghiệp rồi mới chuyển sang công việc đòi hỏi hơn như hiện nay.
Chồng tôi không đặc biệt có hoài bão nhưng là người có trách nhiệm và khá thông minh, nhanh nhạy, thường tìm cách làm mọi thứ hiệu quả nên công việc phát triển tốt và cứ thế từ từ lên theo thời gian. Có lẽ sau khi quen tôi, anh cũng trở nên tiến thủ hơn một xíu. Về tài chính, gia cảnh hai vợ chồng không có gì đặc biệt, phần lớn đều tự cố gắng. Chúng tôi lên kế hoạch tài chính để đảm bảo chất lượng cuộc sống nhưng chi tiêu hợp lý và có tính toán đầu tư. Vợ chồng không thích chi nhiều vào vật chất; nhà cửa, ôtô, quần áo, đồ dùng đều rất vừa phải.
Tôi mong muốn hướng tới phong cách sống hiện đại, đơn giản, không bị nặng nề về vật chất. Chúng tôi muốn dành nhiều hơn cho trải nghiệm như tôi kể ở trên, chi tiêu luôn phù hợp với thu nhập. Ví dụ lúc lương chưa cao, khi đi chơi sẽ tìm khách sạn, vé máy bay loại rẻ nhất. Vợ chồng đặt mục tiêu tự do tài chính ở tuổi cuối 40, đầu 50, vì cả hai mong muốn có thể dành thời gian thử nghiệm nhiều thứ thú vị khác trong cuộc sống sau khi con đã trưởng thành. Có thể là đi nước ngoài sống vài tháng, tham gia hoạt động xã hội và tình nguyện nhiều hơn.
Đến giờ tôi vẫn tiếp tục lên danh sách những điều mình muốn làm ở tuổi 40, 50. Mong muốn của vợ chồng tôi là sống một cuộc sống cân bằng, chất lượng, nhiều trải nghiệm và tạo ra giá trị tích cực. Thế nên kể cả sự nghiệp không đạt được tới mức cao nhất, chúng tôi cũng thấy rất ổn.
Về bài viết trước, có lẽ tôi tập trung nhiều vào việc ca ngợi chồng quá nên chưa cho mọi người thấy được cái nhìn toàn diện. Ví dụ, dù chồng xuống nước trước để xin lỗi trong mọi tình huống, không có nghĩa tôi không nói xin lỗi. Tất nhiên tôi cũng nói xin lỗi nhưng anh là người bao dung và trưởng thành nên bao giờ cũng ngay lập tức nói xin lỗi. Tôi luôn ngưỡng mộ, khâm phục sự khiêm nhường này ở anh. Người anh cần là một người bạn đời, không phải là một người làm việc nhà. Thế nên các việc trong nhà, ai tiện thì làm, không làm được thì tìm người giúp.
Về phía mình, khi nghĩ tới chồng, ngoài cảm giác yêu còn là cảm giác thương, mong muốn những điều tốt nhất cho người ấy. Thế nên tôi cũng không quá quan trọng chuyện sự nghiệp của chồng, chỉ mong muốn anh được làm điều anh thích. Tôi không biết tương lai thế nào nhưng trân trọng mỗi ngày mình có, cảm tạ Chúa luôn dẫn dắt gia đình mình.
Ngân Hà
https://thegioicobacbip.net/san-pham/nhan-danh-nhac