16
Th9
Từng nghe đâu đó rằng dạy phụ nữ hy sinh là một điều nhẫn tâm và độc ác, tôi thấy đúng. Càng đúng hơn nếu phải nghe những câu kiểu: “Vì con nên mẹ chịu đựng”. Mẹ tôi là người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh, vị tha, một lòng một dạ vì chồng vì con. Thế nhưng bà chưa từng hạnh phúc, chưa từng cười theo đúng nghĩa.
Cha tôi không phải người đàn ông tốt. Ông bạc nhược, hèn, gia trưởng. Một người điển hình kiểu: “Có lỗi với toàn thiên hạ nhưng nghĩ toàn thiên hạ có lỗi với mình”. Khi mẹ tôi sinh được một ngày, ông mang bếp than để ngay giường và nước lạnh tới, bắt bà nấu cơm cho ông ăn, nếu không ông đánh. Khi bà sinh đứa thứ hai là tôi được bảy ngày đã phải địu con đi hái hạt đậu xanh. Ông vẫn bắt bà hầu cơm, con khóc nhét ngay cái gối vào mồm cho khỏi khóc. Hai đứa đều là gái, ông ép đẻ thêm con trai, đẻ được đứa con trai ông thấy vẫn chưa đủ, đòi thêm đứa nữa. Mẹ tôi còn bị băng huyết, sắp mất mạng.
Tôi sáu tuổi đã được mẹ đưa ra đồng dặm ruộng. Tôi chín tuổi, mẹ con tôi 2h sáng dậy đi làm đồng, ông vẫn ngáy. Làm đồng không được mùa như mong đợi, ông lôi hai đứa con gái ra dàn hàng nằm xuống rồi đánh. Đó là những lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự nhục nhã. Tôi đi học bữa đực bữa cái vì phải phụ mẹ làm ruộng, lấy tiền nuôi người đàn ông ấy. Đến 12 tuổi tôi bắt đầu đi vác củi, vác than củi về đi bán kiếm tiền, vác không đủ ký sẽ ăn roi, không đi vác lại càng bị đánh. Tiền ông lấy, phát từng xu cho mẹ đi chợ, bắt kê tiền chi tiêu thế nào, ông mang tiền đi mua đồ ngon về nhậu với bạn bè, chiến hữu. Mẹ con tôi ăn cháo trừ cơm liên miên, cả cơm chan nước mắt. Tôi lần đầu nói mẹ ly dị, mẹ bảo gắng cho con cái có đủ cha mẹ. Tôi nghĩ mẹ đúng.
Trong 18 năm trời, không ngày nào tôi không bị vụt bằng roi mây, dây điện, cả dây ống nước loại người ta dùng để truyền serum, nước biển. Người tôi đầy sẹo, đi học nhục nhã, chưa bao giờ được cha đi họp phụ huynh cho. Tôi học rất giỏi, 12 năm chưa một lần học lực trung bình, 10 năm giỏi, 2 năm khá, thi đậu đại học top cao. Tôi làm được thế là vì mẹ. Những lúc ăn đòn nhiều trước mặt thiên hạ, bạn bè, tôi nghẹn đắng cổ họng, không thể khóc, thức dậy nửa đêm đi làm, về đi học, làm việc nhà. Đến cái quần rách ông cũng bắt tôi phải biết để may, không biết tương đương với ăn đòn. Anh chị em tôi đều chịu chung số phận. Tôi nằm bệnh viện hai tuần, đau đớn đến mức phải chuyển viện, ông làm thủ tục cho về nhà, kêu đi làm là hết đau ngay. Tôi đi đằng trước, ông cầm roi theo sau, bắt mang than vác củi. Sau này, dù có đau tôi cũng không dám nằm viện. Tôi lần nữa năn nỉ mẹ ly hôn. Mẹ vẫn thế, kiên định vì chồng con.
Học đại học, tôi dùng học bổng bù học phí, căng sức đi làm để lo chi phí, vay vốn sinh viên để cha tiêu. Tôi không làm vậy, mẹ sẽ bị cha đánh. Ốm yếu, héo hon, có lúc tôi có 32 kg. Tôi vẫn sống. Ra trường, tôi còng lưng trả nợ cho khoản mình không tiêu vì sợ m bị đòn. Tôi chuyển việc về gần nhà để tiện bảo vệ mẹ. Từng ngày từng đêm cật lực làm việc, tôi mua được mảnh đất, xây căn nhà nhỏ 120 m2, đưa mẹ về ở cùng. Chị em tôi lưu lạc tứ xứ, không thân thiết nhau vì cha luôn đặt điều chia rẽ chị em, kiến đứa này hiểu lầm, ghét đứa khác. Tất cả những thứ tôi có, đều dùng máu và nước mắt đánh đổi. Vậy mà cha đòi “có quyền” trong cái nhà tôi, trong xe tôi, đòi đứng tên. Không được như ý, ông đòi đốt nhà.
Ông chuyển về nhà tôi ở, tôi không nói gì. Nhưng ông ở cùng lại là chuỗi ngày khốn cùng: đi làm stress, về nhà bị chửi bất chấp nửa đêm hay sáng sớm. Tôi vẫn im lặng vì mẹ. Ông tự chuyển về nhà của chính mình, rêu rao với thiên hạ tôi đuổi ông. Tôi vẫn im lặng. Mẹ tôi đau ốm nằm viện, ông mất tích. Mẹ tôi khỏe, ông bắt nấu cơm, chăm sóc, nếu không là không tận tâm. Tôi mua váy đẹp, xe tay ga cho bà, ông kêu mua cho bà đi chơi bời à, để tiền đó mà đưa cho ông tiêu. Tôi vẫn im lặng. Nếu không có mẹ tôi, tôi sẽ không nhìn ông lấy một lần.
Đến năm 27 tuổi, tôi lấy chồng. Qua bao nhiêu lần quỳ gối van xin ông dự đám tôi, ông vẫn không đến. Ông chê nhà trai tráp ít tiền, ít vàng, mặc dù tiền lễ nhà trai đưa 20 triệu đồng và thêm hai cây vàng. Ông còn chửi bởi thông gia bằng những từ ngữ thô tục. Mmẹ chồng tôi nhịn vì thương vợ chồng tôi. Muốn ông đến để không bị bàn tán, tôi đưa ông gần 100 triệu đồng. Đám cưới tôi, ông vẫn bặt tăm. Chồng tôi cũng yêu chiều, có hiếu với mẹ tôi; anh biết làm việc nhà, phụ vợ, nấu cơm dọn dẹp không nề hà. Tôi vẫn ở với mẹ vì anh bảo cho mẹ có thêm thời gian và người chăm sóc, sau sẽ kêu em trai về ở cùng với mẹ, tôi đi theo anh. Chồng tôi hiểu lý lẽ nhưng ba tôi lại nói anh bám váy vợ. Anh cười, không trả lời.
Mẹ chưa từng hỏi tôi có cần sự hiện diện của ông trong đời mình không. Mẹ sống như thế để chúng tôi có đủ cha mẹ nhưng không hỏi xem điều đó có quan trọng với chúng tôi không. Điều tôi cần đơn giản lắm: mẹ khỏe, mẹ vui, tự do làm những gì mình thích, không nhìn mặt ai mà sống. Mẹ chưa từng biết, chưa từng hiểu, nếu như tôi không vượt qua chính mình có lẽ mẹ đã không có tôi như hiện tại. Mẹ dạy tôi phải hy sinh, nhẫn nhịn. Tôi sẽ không sống như mẹ. Ai cũng bảo có ăn có học mà đối xử với cha mình thế này thế nọ, cái sự ăn học của tôi là do tôi cố gắng, dùng sức khỏe bản thân đánh đổi, không phải từ trách nhiệm của cha.
Sự dịu dàng, tha thứ, nhẫn nhịn là tâm tính của phụ nữ, nhưng đừng lấy đó làm kim bài miễn trừ cho tất cả lỗi lầm của đàn ông. Đàn ông, khi làm cha, không thương yêu vợ cũng nên nghĩ đến giọt máu của mình.
Hoài Thu
https://thegioicobacbip.net/san-pham/nhan-danh-nhac